Tuesday, December 14, 2010

Quản lý tri thức-Một xu hướng của quản trị kinh doanh hiện đại

Trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế đang diễn ra một cách nhanh chóng trên toàn thế giới, cùng với sự phát triển với tốc độ chóng mặt của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ, các công ty đối mặt với rất nhiều cơ hội và thách thức do toàn cầu hóa và cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật - công nghệ mang lại. Nguồn nhân lực đã trở thành “một tài sản quý nhất, quan trọng nhất và quyết định nhất” cho sự tồn tại và phát triển của bất kỳ một tổ chức nào. Song, khi chúng ta nói về những nhận thức được hầu hết mọi người chấp nhận này thì cần phải hiểu đó là nguồn nhân lực có tri thức, có kỹ năng ở trình độ cao, biết lao động sáng tạo chứ không phải sức lao động cơ bắp dựa trên kinh nghiệm. Lực lượng lao động xã hội đã có sự chuyển biến rõ rệt từ những công nhân “cổ xanh” là chủ yếu thành những công nhân “cổ trắng” là chủ yếu.  Peter Drucker (1993)-một chuyên gia hàng đầu của lý luận quản lý- đã nhận xét rằng: “Trong thời kỳ 1880, khoảng chín phần mười số người lao động là lao động chân tay; ngày nay, con số này giảm xuống một phần năm. Bốn phần năm lực lượng lao động là những người lao động tri thức”.